ĐẠI LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG LÀ GÌ?
Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung là cuộc lễ để tín đồ thể hiện lòng tri ân đối với công lao hoá dục sinh thành của Phật Mẫu Diêu Trì, và theo đó, Điện thờ Phật Mẫu, một thành tố quan trọng của thiết chế thờ tự của đạo, được gọi là Báo Ân từ với ý nghĩa là ngôi từ đường để thờ tự bậc đại ân.
Đại lễ Hội Yến Diêu Trì cung bắt nguồn từ buổi cầu tiên vào đêm Trung Thu năm Ất Sửu (1925). Nhưng Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung ở Toà thánh Tây Ninh chỉ được tổ chức quy mô và định lệ hàng năm từ những năm cuối 1940 đầu 1950.
Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm
Do đó, cứ đến dịp Rằm tháng Tám, tín đồ các nơi đều cử người về đây dự lễ, có đến hàng vạn người. Họ cùng nhau tổ chức việc chưng bày lễ vật và các quần thể tượng kết bằng hoa quả: Phật Mẫu và chín vị Tiên nương, Tứ linh, mô hình Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung…Tất thảy những người về dự lễ với niềm xác tín sâu sắc của những người hành hương về với nguồn cội.
NGUỒN GỐC CỦA ĐẠI LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG?
Nguyên vào thượng tuần tháng 8 âm lịch năm Ất Sửu (1925), 3 ông Cư, Tắc, Sang được Thất Nương tiết lộ cho biết chút ít về Diêu Trì cung ở từng Trời Tạo Hóa Thiên nơi cõi thiêng liêng : Trên hết có Cửu Thiên Nương Nương cai quản, dưới có Cửu vị Tiên Nương phụ tá, mà Cô đứng hàng thứ 7, gọi là Thất Nương, Hớn Liên Bạch là Bát Nương,... Ba ông xin Cô cho biết cách cầu Cửu Thiên Nương Nương.
Thất Nương bảo : Ba Anh muốn cầu Nương Nương thì phải ăn chay trước 3 ngày và tìm cho đặng Ngọc cơ thì cầu Lịnh Bà mới được.
Ba ông không biết Ngọc cơ là chi. Cô mới mô tả Ngọc cơ, giải thích rõ căn cội buổi xưa lấy hình dạng chùm sao Bắc đẩu mà tạo thành, lại dạy cho cách phò cơ. Thất Nương cũng dặn mỗi vị làm sẵn một bài thơ đón mừng Cửu Thiên Nương Nương.
Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm
Ba ông không biết tìm Ngọc cơ ở đâu, nhưng như có linh tính xúi giục, ông Cư qua nhà một người bạn lối xóm là ông Phán Tý hỏi thăm. Ông Tý liền cho biết ông có một cây Ngọc cơ hiện đang cho ông Âu Kích Chùa Tam Tông Miếu mượn, để ông lấy về cho ông Cư mượn mà cầu các Đấng, chớ lối Xây bàn của ông Cư đang áp dụng, tiếp nhận được một bài văn của các Đấng thì tốn nhiều thì giờ quá.
Ba ông rất mừng rỡ, chuẩn bị ăn chay cho đủ 3 ngày để cầu Cửu Thiên Nương Nương vào ngày Trung Thu sắp tới.
Đêm đó, Đức Chí Tôn giáng trần, bảo ba ông làm tiệc chay để kính lễ Đức Phật Mẫu và Cửu Thiên Nương Nương.
Ngay sau bữa tiệc đãi Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên nương lần đầu tiên ngày rằm tháng 8 năm Ất Sửu (1925) tại nhà ông Cao Quỳnh Cư, Lệnh bà và Cửu vị Tiên nương lần lượt giáng cơ để lời cám ơn ba ông, rồi mỗi vị cho một bài thi 4 câu để kỷ niệm.
Và từ đó rằm tháng Tám là thời điểm hơn trăm ngàn tín đồ Cao Đài từ các tỉnh thành và khách du lịch trong, ngoài nước đã tham dự đại lễ Hội yến Diêu Trì cung hàng năm tại Nội ô Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh.
NGHI THỨC ĐẠI LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG
Để chuẩn bị cho Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung các Họ đạo, các tỉnh đạo ra sức trổ tài sáng tạo làm những phẩm vật từ trái cây, bánh kẹo được bàn tay, khối óc của những chị em nữ phái trình bày công phu, đẹp mắt nhằm thể hiện tình cảm tôn kính của người tín đồ đạo Cao đài dâng lên Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương.
Chung quanh Báo Ân từ, mỗi Họ đạo đều dựng một nhà rạp để trang trí đèn hoa, phẩm vật để mừng Lễ Hội yến Diêu Trì cung. Nếu có đến xem mới thấy hết được tài năng sự khéo léo của người tín đồ đạo Cao đài.
Mỗi gian hàng là một công trình kiến trúc thực sự có ý nghĩa về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc giáo dục đạo đức con người và xã hội. Những mô hình mô phỏng sự tích về Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương, hoặc trưng bày những phẩm vật cầu kỳ, sinh động có thể chuyển động như con phụng, con lân, con quy được làm bằng trái cây; những chiếc bánh ít đặc trưng của người Nam bộ được tết khéo léo thành hình con rồng…
Để ghi nhận những công trình của các Họ đạo trưng bày ở các gian hàng, Hội thánh lập Ban Tổ chức đánh giá và ghi nhận những gian hàng đẹp nhất nhằm động viên toàn đạo trong dịp Hội Yến Diêu Trì Cung.
Những phẩm vật này, sau Đại lễ đêm rằm tháng 8 sẽ được mang đến Trai đường phát quà cho các cháu. Nếu như phần lễ mang tính thiêng liêng, trầm mặc thì phần hội biểu hiện chính ở trong đám rước cộ bông Phật Mẫu lại phóng khoáng và hồn nhiên, gần gũi với tín ngưỡng dân gian.
Đây là phần được coi là vui nhất thu hút đông đảo tín đồ và nhân dân tham dự, tổ chức từ hồi 18 giờ 30 đến 22 giờ (ngày 15/8/AL) gồm các tiết mục rước Cộ bông Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương, múa Long Mã, Tứ linh (Rồng nhang, Kỳ lân, Quy, Phụng), đội múa Phụng và đội Nhạc múa sắc tộc diễu hành trước Báo Ân từ đến Đền Thánh vòng qua Đông Tây khán đàn. Khi mặt trời ngả bóng, dòng người ngày càng thêm đông đổ về khắp nội ô Toà thánh, có người về từ mấy hôm trước làm công quả. Chẳng mấy chốc, cả Toà thánh đông nghẹt người. Hai bên, Đông Tây khán đàn, trước cửa Báo Ân từ, Đền Thánh không còn chỗ trống. Tất cả đều náo nức đón xem màn rước Cộ bông và biểu diễn múa rồng, lân.
Ý NGHĨA CỦA ĐẠI LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG?
Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung là một thiết chế của đạo, ở đó, người ta thể hiện, người ta hình dung về mối quan hệ mà họ duy trì với đấng sinh thành tạo hoá và tìm thấy cái nguyên uy siêu việt chung nhất của cộng đồng.
Nói cách khác, Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung đảm nhận chức năng bảo vệ, tái sinh và tái tạo sợi dây liên kết các thành viên của cộng đồng tín hữu, đây là dịp bày tỏ lòng mình: chia sẻ niềm tôn kính với đấng siêu việt chung và niềm tin được sống bên nhau, quây quần bên bữa cổ chay cùng chuyện trò thân mật.